Chú Giải Tin Mừng Thứ Tư Tuần XXVI Mùa Thường Niên (Lc 9,57-62) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ TƯ TUẦN XXVI MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 9,57-62

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: G 9,1-12.14-16

Tại sao có đau khổ? Tại sao có người công chính là người và người vô tội phải chịu đau khổ ? Đấng Toàn Năng không làm gì được để cứu con cái khỏi nỗi cay đắng, cứu kẻ vô tội khỏi các cực hình sao?

Hai người bạn của Gióp đến “thuyết phục” an ủi ông. Đó là việc thường tình với nhau: “các người bạn tri âm” đến tận giường bệnh để tìm lời an ủi giải sầu! Nhưng rất dễ nói về nỗi đau khổ khi mình không có đau khổ. Và nếu có những lời chân tình thấm thía thì phần nhiều cũng không có tác động bao nhiêu.

Nhưng ông Gióp, sau mỗi lần, vẫn đáp lại.

Quả thật, tôi biết rõ như thế: làm sao người phàm lại có lý chống lại Thiên Chúa …

Chúng ta đừng quên, ông Gióp, chưa có ánh sáng của Đức Kitô (mầu nhiệm Cứu Chuộc, sự Phục sinh, đời sống vĩnh cửu) Các lý lẽ ông đưa ra chưa hoàn hảo vì chúng là của loài người, nhưng các lời ông đáp lại cũng đáng thán phục.

Cảm tưởng đầu tiên của ông Gióp là trước hết, người ta không được tính toán với Thiên Chúa. Chân lý này thật là căn bản. Đó chưa phải là lời giải đáp toàn vẹn theo nghĩa là loài người không biết được tại sao Thiên Chúa để cho cuộc tạo thành của Người còn khiếm khuyết, còn là một công cuộc “dở dang”, chưa toàn hảo.

Ngay từ ban đầu “đã có như vậy” có sự dữ xuất hiện. Trốn tránh nó cũng vô ích ! Không muốn trông thấy nó, cũng chẳng được. Dùng ma túy để trốn tránh, hay là không thèm đặt vấn đề cũng vô ích ! Chi bằng trực diện với sự dữ.

Kẻ nào tìm cách tranh luận với Thiên Chúa thì trên một ngàn lần, không được giải đáp... Vậy có đương đầu với Người mà không có lỗi?

Đây là lời thú nhận sự bất lực căn bản của ta là muốn hiểu được mọi sự. Con người thời nay, bị bất ổn vì sự dữ hơn thời xưa, bởi vì họ tưởng mình “làm chủ được mọi sự”. Tưởng mình giải đáp được mọi sự, họ không công nhận còn nhiều lãnh vực phi lý những điểm mơ hồ, những bệnh tật đang chống lại họ, hay có những băng hoại đang phá hủy họ. Khiêm tốn hơn, ông Gióp nghĩ rằng: Ai tưởng mình biết mọi sự là điều đáng nực cười. Có phải sự đau khổ là điều không thể hiểu được chăng ? Cái đó chưa phải là điều độc nhất xảy ra trong vũ trụ! Con người quá nhỏ bé.

Trên cả ngàn vấn đề được đưa ra, con người chỉ giải đáp được một “vài điều” thôi: mầu nhiệm, huyền bí vẫn tồn tại.

Thiên Chúa chuyển núi dời non… Điều khiển mặt trời… Tạo dựng tinh tú… Người làm nên những công trình lớn lao không sao dò thấu, những việc kỳ diệu không ai đếm xuể.

Đó là một trong các cảm nghĩ mà ông Gióp ưa thích: Quyền năng Thiên Chúa.

Đúng vậy nên thực có “những khuyết điểm trong vũ trụ… thì cũng có rất nhiều kỳ công . Tại sao chỉ nghe những tiếng ken két của bánh xe không quay tròn… mà chối bỏ không nhìn thấy sự việc toàn hảo tột mức?

Ai dám nói với Người: "Người làm chi vậy? Há tôi muốn biện minh cho tôi”.

Ong Gióp đầy xác tín rằng: Thiên Chúa “khôn ngoan” Thiên Chúa “thông minh” Thiên Chúa “tốt lành”, Thiên Chúa “toàn năng”... Đàng khác, ông trưng ra biết bao bằng chứng, trong công cuộc tạo thành kỳ diệu của Người.

Thực ra, tôi không hiểu “tại sao” có sự dữ trong cuộc tạo thành này… nhưng tôi muốn tín thác vào Người : Chính Người biết “tại sao”.

Bài đọc II: Nh 2,1-8

Chúng ta đang ở trong thời kỳ tiếp theo sau cuộc lưu đày. Chúng ta đã thấy những đoàn bộ hành đầu tiên cùng với Êdơra trở về Palestin. Chúng ta đã nghe các sứ ngôn Haggai và Dacaria cố khích lệ người Do Thái Khó khăn trong việc tái thiết đền thờ và thành phố của họ. Đây là một giai đoạn mới.

Việc xảy ra trong tháng Nisan, năm thứ hai mươi triều vua Ataxerê: là trước mặt vua, tôi liền nâng rượu dâng lên nhà vua.

Trong đền vua Ba Tư quyền thế, còn có những nô lệ ngoại bang Nêhêmia là một trong số họ, lo hầm rượu hoàng gia. Ong không có quyền lên tiếng, ông chỉ phải lo phận vụ của ông. Nhưng ông là người Do Thái, và ông thỉnh thoảng

biết được những tin tức từ Giêrusalem tới: Nơi đó, tình hình tồi tệ.

Tôi không hề buồn rầu, nhưng hôm đó vừa hỏi tôi: Cớ sao mặt ngươi buồn rầu thế, mặc dầu trẫm không thấy ngươi có bệnh; chắc trong lòng ngươi có điều chi bất an?”

Một ơn gọi sắp được tỏ bày như thế.

Nêhêmia sẽ là người khởi động lớn việc tái thiết Giêrusalem. Và khi ông còn là một nô lệ nhỏ bé khốn khổ...mà Thiên Chúa đến tìm ông trong công việc thường ngày.

Tôi quá sợ hãi liền tâu vua rằng: “Thánh hoàng vạn vạn tuế. Lẽ nào mặt thần không lo buồn, vì thành phố nơi có phần mộ tổ tiên của thần bị bỏ hoang và các cửa thành bị lửa thiêu rụi?”

Người tôi tớ khốn khổ này có một cõi lòng đại độ. Ong không khổ vì những âu lo cá nhân. Ong khổ vì nỗi khổ của dân ông. Như Môsê, được nuôi dưỡng trong cung đình Pharaô, Nêhêmia được huấn luyện theo thói tục của triều đình Ba Tư. Ong hẳn đã thủ đắc một phần nào khả năng trong việc tổ chức một đại gia cư, một hoàng gia. Ông cảm thấy mình được gọi để đùng khả năng này mà phục vụ các người đồng hương của mình.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con phục vụ anh em chúng con bằng phần tốt nhất của chúng con.

Hãy lôi chúng con ra khỏi những hoàn cảnh ấm cúng của chúng con, để biết nhìn đến và nhận lấy những âu lo của anh em chúng con.

Xét cho cùng, Nêhêmia không phải là bất hạnh. Ông có một địa vị tốt! Lạy Chúa, xin cất khỏi lòng con cái thú được hạnh phúc một mình !

Lạy Chúa, chớ gì con biết nghe những tiếng gọi từ thế giới gửi tới. Xích lại gần, con nghe biết những khốn cực từ gia đình con, từ môi trường làm việc của con, từ quê hương, từ vũ trụ xa xăm. Và con cầu nguyện. Con để cho mình đặt thành vấn nạn.

Tôi cầu nguyện cùng Chúa Trời, rồi tâu vua rằng: Nếu đức vua tốt đẹp và tôi tớ vua đẹp lòng trước long nhan đức vua tốt đẹp, và tôi tớ đức vua đẹp lòng trước long nhan, thì xin hãy cho thần về Giuđêa, đến thành phố nơi có phần mộ tổ phụ của thần, thần sẽ xây cất lại.

Thường chúng ta dừng lại ở mối xúc cảm trước các đau khổ của thế giới. Nêhêmia đi tới quyết định. Ong thực hiện một cuộc hành trình rộng lớn. Và cuộc dấn thân đòi nhiều hơi sức: Người ta không tái thiết một thành bằng một cái đập của que đũa thần.

Tôi tâu vua rằng rằng: “Nếu đức vua thấy tốt đẹp, xin đức vua ban chiếu chỉ cho thần để thần xuất trình cho các quan cai vùng bên kia sông... cho quan cai rừng cây để người cấp gỗ cho thần hầu có thể làm cửa tháp đền đến, tường thành và nhà thần cư ngụ.

Đức ái đi liền với một chương trình cụ thể, trong kỳ hạn lâu dài.Vua ban cho tôi theo như tay nhân lành Chúa ở với tôi.

Trong các kế hoạch bề ngoài rất là nhất thời, trong Kinh thánh , không hề thiếu sự quy chiếu công khai về Thiên Chúa, được gặp thấy trong trong kinh nguyện.

BÀI TIN MỪNG: Lc 9,57-62

Thầy trò còn đang đi, thì có kẻ thưa Người rằng “thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”

Chúng ta sẽ suy niệm về hai trường hợp của “ơn gọi” :

Trong trường hợp thứ nhất, chính con người tự giới thiệu và chủ xướng. Họ đến xin xỏ Đức Giêsu: Thầy muốn tôi làm gì?

Nhưng họ làm điều đó với một ước muốn tự phụ. Họ tin nơi mình! “Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”. Họ tưởng mình: mạnh mẽ, vững chắc, quảng đại.

Đức Giêsu trả lời: “Con chồn có hang, con chim có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”.

Hiển nhiên, đây là một lời cảnh giác. Đức Giêsu khuyến cáo người đó: Bước theo Người, chỉ có sự nhiệt thành thôi, thì chưa đủ. Ta thử tò mò tìm hiểu xem Đức Giêsu sẽ đưa ra khó khăn nào trước, trên bước đường theo Người, khi một làng vừa mới từ chối không tiếp đón Người và một người quảng đại lại tự hiến thân vô điều kiện để theo Người...

Đức Giêsu nêu ra trước: sự thiếu tiện nghi, sự nghèo khó của thân phận Người. Theo Đức Giêsu, nghĩa là chia sẻ số phận của Người , số phận đầy bi đát mà Người luôn ý thức đi tới cùng, tại Giêrusalem. Là môn đệ của Đức Giêsu, có nghĩa là chuẩn bị để sống tình trạng bị loại bỏ như Người… là không còn được an toàn nữa...

Lạy Chúa, con mong muốn được theo Chúa đi khắp nơi mà Chúa tới. Nhưng giờ đây, lịch sử đã cho con biết Chúa đã đi đến “nơi nào” rồi! Và đồi Gôngotha đã làm con hoảng sợ.

Con thú nhận với Chúa như thế. Thực sự, con chỉ có thể theo Chúa, nếu Chúa ban sức mạnh cho con. Và con không dám xin Chúa quá điều đó.

Đức Giêsu nói với người khác: “anh hãy theo tôi”.

Trong trường hợp thứ hai này, chính Đức Giêsu kêu gọi.

Người ấy thưa: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã”. Đức Giêsu bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết”.

Một câu trả lời khó tin được là thực, đã vang lên như một thách đố.

Tại Ít-ra-en, việc chôn táng được coi như một nghĩa vụ thánh… Và đó cũng là điều hết sức tự nhiên nơi mọi nền văn minh! Những lời Tin Mừng, những đòi hỏi quá đáng đó, thực sự đã đặt ta trước một song quan luận:

-Hoặc là Đức Giêsu là một tên khùng điên, không hiểu rõ điều mình nói,

- Hay là Đức Giêsu thuộc về một trật tự khác với trần gian, ở ngoài lĩnh vực thuộc con người.

Ta thử tìm hiểu lời nói khó nghe đó. Từ “kẻ chết” có hai nghĩa khác nhau trong cùng một câu văn: trường hợp đầu, có nghĩa thông thường, chỉ “kẻ qua đời” nhưng trường hợp thứ hai, đề cập đến tất cả những người chưa gặp gỡ Đức Giêsu. Và Đức Giêsu, có nghĩa là chịu vượt qua từ sự chết đến sự sống, là được vào một thế giới khác, không có gì giống với thế giới thường ngày!

Còn anh, anh hãy đi loan báo triều đại Thiên Chúa.

Môn đệ chỉ còn có một điều phải làm, đó là để lại đàng sau tất cả, để “loan báo Triều đại Thiên Chúa”. Đó là điều triệt để tuyệt đối. Điều đó không chấp nhận một sự chần chờ nào.

Một người khác nữa lại nói: “Tôi xin theo Thầy , nhưng xin cho tôi về từ biệt gia đình trước đã”. Đức Giêsu bảo: “Ai đã tra tay vào cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với nước Thiên Chúa”.

Vậy Đức Giêsu là ai mà đòi hỏi những dứt bỏ gay gắt đến thế? Chúng ta cũng thấy, chính Đức Giêsu đã đòi ta phải yêu thương cha mẹ ! Và Người đã nêu gương về một tình thân ái tế nhị với Mẹ Người, khi trong giờ hấp hối đã trao gửi Mẹ cho Thánh Gioan.

Đối với Thiên Chúa; Đức Giêsu đòi hỏi ta một thái độ triệt để có khi phải từ bỏ mọi êm ấm gia đình. Đó cũng là điều mà ngôn sứ Elia đã yêu cầu các môn đệ ông (lV 19,19-21).

Mai đây, việc phục vụ Nước Thiên Chúa liệu có còn những có “người được tôi luyện như thế nữa không ?

 

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Dù thầy đi đâu con cũng theo.

HOÀN CẢNH :

Lúc này danh tiếng Đức Giê-su đã lừng lẫy khắp nơi về những lời giảng và phép lạ Người làm, vì thế có những người đến xin theo làm môn đệ Chúa. Nhân cơ hội này, Đức Giê-su chỉ vẽ những điều kiện để theo Chúa.

Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng này thánh Lu-ca ghi lại câu chuyện Đức Giêsu đòi hỏi những người muốn theo làm môn đệ Chúa phải có ý hướng ngay lành.

TÌM HIỂU:

57 “ Thầy đi đâu, tôi cũng xin theo...”:

Theo Mt 8,18 thì người này là một kinh sư xin đi theo Chúa, vì ông thấy nơi Người có thể làm thỏa mãn được những tham vọng của ông, một thứ tham vọng theo kiểu trần thế, giàu có, bảo đảm danh vọng địa vị... Chúng ta hiểu như vậy là vào câu trả lời của Chúa Giê-su sau đây :

58 “con chồn có hang...”:

Chúa dùng kiểu nói này để diễn tả : Chúa không có gì để bảo đảm cho cuộc sống trần gian, vì nghèo đến nỗi, còn thua con chim có tổ, con cáo có hang. Và nghèo đến nỗi không có nơi dựa đầu, tức là có mái nhà để ở, vì thế theo Chúa mà đặt những tham vọng thì không thực tế, không phù hợp.

59 Ở Mt 8,21-22, người xin làm môn đệ ngỏ lời trước; còn Lu0ca ở đây, chính Đức Giêsu mời gọi anh. Điều này nói lên người có thành tâm thiện trí đi theo Chúa, nhưng anh chưa dứt khoát được sự ràng buộc của gia đình : “ Xin thầy cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã” : lời xin này không có nghĩa cha anh đã chết, vì nếu chết rồi thì anh đã không xin về chôn cất nhưng là để anh về phụng dưỡng cha trong lúc tuổi già cho trọn chữ hiếu, rồi xong công việc sẽ đi theo Chúa.

60”cứ để kẻ chết...”:

việc ở đời để người lo, Chúa đòi hỏi đi theo Chúa thì phải cắt đứt mọi ràng buộc kẻ cả ràng buộc về mối dây liên hệ gia đình vì: “Ai yêu cha hay mẹ hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy” (Mt 11, 37).

Lý do đòi hỏi như vậy là vì:

“Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa”: Việc loan báo Tin Mừng Nước Trời là cần thiết, là cấp bách, là quan trọng hơn, vì thế việc phụng dưỡng cha mẹ là cần nhưng việc rao giảng Tin Mừng lại cần hơn nên phải ưu tiên hơn.

Ở đây Chúa đòi hỏi muốn làm môn đệ của Chúa thì phải dành trọn vẹn, nghĩa là không được để bất cứ ràng buộc nào chi phối kể cả ràng buộc về mối liên hệ gia đình ruột thịt.

61 “...xin cho phép tôi về từ giã gia đình”:

Người thứ ba này xin đi theo Chúa, nhưng chưa dứt khoát vì còn phải về từ giã gia đình nữa.

62 “ai đã tra tay cầm cày...”:

Đức Giêsu đã dựa vào công việc người đi cày để trả lời cho người thứ ba này về điều kiện đi theo Chúa.

Người cầm cày khi cày ruộng, thì luống cày phải thẳng, vì thế không được ngoái cổ lại đằng sau kẻo làm luống cày vêng vẹo, khiến cho đất không cày đều, làm cho đất không tốt cho hạt giống gieo xuống.

Cũng vậy người đã đi theo làm môn đệ Chúa rồi thì phải dứt khoát, không được do dự ngập ngừng, khiến cho việc theo Chúa bị cản trở, không trọn vẹn.

Ở đây Chúa đòi hỏi người môn đệ của Chúa phải có thái độ dứt khoát, không được do dự, ngập ngừng hay chần chừ khiến cho việc theo Chúa bị cản trở và như vậy không thích hợp với Nước Thiên Chúa.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. Bài Tin Mừng hôm nay giúp ta nhận ra rằng: Một khi đã đi theo, làm môn đệ Chúa thì phải từ bỏ mọi tham vọng, mọi ràng buộc, để tự do hiến thân mình cho Chúa, và trọn vẹn thuộc về Chúa để làm công việc cho Chúa.

2. Theo Chúa thì phải khước từ mọi tham vọng: của cải vật chất, danh vọng địa vị và mọi thỏa mãn theo sở thích riêng để thực sự trọn vẹn thuộc về Chúa và tự do thực thi ý Chúa.

3. Theo Chúa thì phải ưu tiên cho Chúa và những công việc của Chúa, không được để bất cứ mối liên hệ nào, kể cả những liên hệ chính đáng về gia đình để chuyên cần rao giảng Tin Mừng.

4. Theo Chúa thì phải dứt khoát và trọn vẹn, không được do dự ngập ngừng và tính toán hơn thiệt khiến cho việc tông đề bị cho phối và mất hiệu nghiệm.

5. Sống đời tông đồ là sống đức tin, sống tinh thần phó thác và sống gắn bó với Chúa, vì thế phải chấp nhận những bấp bênh gắn liền với thân phận của Đức Kitô ở trần gian: “Con Người không có nơi dựa đầu”.

6. bạn đang theo Chúa ư? Vậy lúc này bạn đang có những tham vọng nào ? đang bị những ràng buộc nào chi phối và nhất là bạn đã dứt khoát để trọn vẹn cho Chúa chưa ? Tin Mừng hôm nay đòi hỏi chúng ta trong mọi sự: tư tưởng, quyết định và hành động luôn luôn sẵn sàng bỏ ý riêng và lợi lộc để thực thi ý Chúa.

Chúa đòi hỏi người môn đệ phải khước từ mối liên hệ gia đình tự nhiên, khi mối liên hệ ấy làm cản trở đời sống tông đồ là vì Chúa muốn cho người môn đệ sống ưu tiên cho mối liên hệ gia đình thiêng liêng rộng lớn hơn, cao cả hơn vì có Thiên Chúa là Cha (Lc 9, 21).

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.